Cách xem cung vô chính diệu vẫn luôn là vấn đề nan giải và khó thống nhất giữa nhiều trường phái tử vi. Bởi lẽ môn tử vi ảo diệu thâm sâu nên gần như các trường phái khác nhau lại có những lý giải khác nhau và áp dụng vào thực tế thì cũng đúng trong nhiều trường hợp khác nhau.
Đầu tiên là mệnh VCD và sau đó là mệnh có Chính Diệu. Bởi xét cho cùng thì người mệnh VCD là quan tâm hơn cả vấn đề này. Bởi có câu mệnh VCD không yểu cũng bần.
Mệnh vô chính diệu đã được nhiều nhà Tử vi nghiên cứu và nghiệm lý, có người thì nói là nhà không nóc, nhưng có lẽ ít ai hiểu được bản chất thật sự của nó là như thế nào. Đầu tiên nói đến lý thuyết kinh điển về Chủ Khách, lấy Cung Mệnh làm Chủ, Tam phương Tứ chính làm Khách, mệnh Chủ cường hơn Khách thì thuận lợi, ngược lại mệnh Chủ nhược khách cường là gian nan. Khi mệnh VCD thì thiên di luôn có chính diệu, điều dễ dàng nhận thấy là Chủ nhược và Khách cường, khi Chủ nhược thì khả năng chống đỡ Sát Khí từ Tam Phương Tứ chính là kém đi rất nhiều, đó là yếu tố gây nên tai họa cho Mệnh VCD.
Hãy lấy ví dụ : Một người khỏe mạnh, cường tráng ( Chủ cường ) thì không sợ phong ba bão gió của xã hội ( Khách ), đi ngoài đường gặp cơn gió thấy cảm giác mát mẻ dễ chịu, khác với một người ốm yếu ( Chủ yếu ) vì sự biến động của xã hội thường cảm thấy mệt mỏi, đi ngoài đường gặp cơn gió bị cảm mạo, sinh bệnh chết ( Khách mạnh hơn Chủ ), cho nên nói mệnh VCD dễ yểu bởi vì Sát Khí từ Khách xung phá Mệnh quá nhiều. Đó là yếu tố quyết định có yểu hay không, nếu mệnh VCD mà Tam phương Tứ chính cát tinh hột tụ không bị sát tinh xâm phạm thì ta xét đến Cung Mệnh làm Chủ và Cung Đại vận làm Khách, ta lại dễ dàng nhận thấy nếu Tam phương Tứ chính cung Mệnh không có Sát tinh thì tất yếu sẽ hội tụ sát tinh ở Đại vận, Chủ Nhược Khách Cường và lại vẫn bị Sát Khí xâm phạm mạnh mẽ, nên dễ yểu khi vận đi qua Cung sát tinh hội tụ được Hóa Kỵ dẫn động.
Đó là nói đến cái yểu của người mệnh VCD, bây giờ xét đến cái bần của người VCD. Mệnh VCD Chủ nhược Khách cường thì Mệnh sẽ không làm Chủ được Tài Quan, dẫn đến bị động trong hoàn cảnh, gặp một vấn đề dù biết bản chất của nó là gì, nhưng không biết phải giải quyết thế nào, kinh doanh thì không hoạch tài, làm quan thì dễ bị chèn ép, ý chí thì kém, lại hay thay đổi cũng bởi Chủ nhược. Tất nhiên sẽ có người lý luận tôi không yểu cũng chả bần, nhưng ở đây yểu và bần là xét trung bình cho người mệnh VCD trong xã hội.
Qua những vấn đề được nói ở trên thì rõ ràng mệnh VCD cần Tuần Triệt để ngăn chặn Sát khí từ các cung Khách để tăng thọ, Đối với giàu hay nghèo thì lại phải xem những yếu tố khác nữa. bởi có câu mệnh VCD hội tam không phú quý khả kỳ. Nhưng với Tuần Triệt đã giúp cho bản cung được vững vàng hơn qua việc đánh chặn nguy hại từ bên ngoài. Đặc biệt mệnh VCD quan trọng xét Tứ hóa, và Chủ khách xem có được cát hay không, Khách đa cát tinh hội tụ và Tam hóa thì vẫn có thuận lợi. vì sao mệnh VCD cần hung tinh đắc địa ( kình, đà, hỏa, linh, không, kiếp, hình, hổ ) là bởi vì Hung tinh đắc địa có thể lấy lại sự cân bằng giữa Chủ và Khách. Cát tinh hay hao bại tinh quá yếu không đủ lực. Nhưng mệnh VCD có Tuần khác với mệnh VCD có triệt, điều này sẽ được nói ở phần sau.
Bây giờ ta xét đến người Mệnh có Chính Diệu. Một điều hiển nhiên đó là không có một Chính tinh nào đứng riêng lẽ với nhau, và thay vào đó là đi theo một tổ hợp. Ta lấy Ví dụ : người có mệnh Tử vi. Tử vi luôn tam hợp với Liêm Trinh và Vũ khúc. Theo lý thì Liêm Trinh hỏa ==> Tử vi Thổ ==> Vũ khúc Kim. Đó là sự lý sinh của Ngũ hành, Liêm trinh là Nguyên thần của Tử vi, khi Tử vi bị Tuần Triệt vì Nguyên thần Liêm trinh không sinh trợ được Tử vi, Tử vi hỏa tương thông mà sinh được Vũ khúc Kim, đẫn đến Khí Thổ ứ đọng, bế tắc. Vì vậy mệnh Tử vi Tuần Triệt là kém theo lý ngũ hành.
Nhưng Tử vi gặp Tuần thì đỡ hơn gặp Triệt, bởi cái lý Âm Dương. theo Tượng thì ví Tử vi như là vua, Liêm Trinh và Vũ khúc là cận thần, Tử vi gặp Tuần Triệt được ví như Vua bị cô lập, không được trợ giúp của Quần thần, giống vua bù nhìn. lẽ dĩ nhiên là kém.
Tuần là được hiểu là Thời Thiên chưa tới, nơi có Địa mà không có Thiên, thiên chưa tới thì sao Địa hóa thành. Cho nên gọi là Không vong. Cũng vì có Địa mà không có Thiên nên Tuần bản chất mang tính Âm. Đối nghịch với Triệt mang tính Dương, điều dễ thấy là nhiều người luận Triệt là chặt chém, Tướng Triệt là tướng mất đầu, Mã triệt là Mã què, âu cũng là do tính Dương của Triệt. Tử vi Dương ngại gặp Tuần hơn Triệt. Tuần tác dụng mạnh lên Tứ hóa, vòng lộc tồn, xét theo Toàn không cách thì Tuần đắc cách hơn là Triệt. Triệt tác dụng mạnh lên sao an theo giờ, ngày, tháng và vòng Thái Tuế. Tuần chế Địa kiếp mạnh hơn Triệt, ngược lại Triệt chế Địa không mạnh hơn Tuần. Tuần chế địa kiếp và Triệt chế Địa không kém hơn vì cái lý cộng hưởng. và cũng bởi cái lý Địa không mang tính Âm, Địa kiếp mang tính Dương.
Cụ Thiên Lương cho rằng, Tuần Triệt hóa giải nhau ở Đại vận, tức là mệnh Tuần đến vận gặp Triệt thì sẽ được hóa giải. Điều này là có lý của Cụ. Xét Tuần Âm và Triệt Dương, thì Tuần Triệt sẽ kìm chế nhau ở Vận, do đó khả năng của Tuần Triệt ở Đại vận đã giảm đi nhiều. Nhưng không phải là sẽ mất đi Tuần Triệt, giống như Không Kiếp gặp nhau ở Tứ góc thành Âm Dương hợp nhất mà đắc địa, đắc địa thì ít hại hơn là hãm.
Lý Xuất Không Điền Thật. Tuần Triệt được hiểu là Thời chưa tới, khi có Lưu Thái Tuế đến thì đó chính là Thời tới, mà thời tới thì Không Vong sẽ không còn, thời tới khi Lưu Thái tuế xung cung Tuần Triệt hoặc ở ngay cung có Tuần Triệt. Xuất không được hiểu là Không vong đã mất, nếu mệnh có Tuần Triệt thì Lưu Thái Tuế đến mệnh hoặc ở Di xung mệnh, khi Không vong đã mất thì những gì còn lại ở Cung mệnh chính là bản chất thực sự vốn có của nó, như tổ hợp sao phá hay hợp cách...từ đó sẽ thấy được sự thật giả về giàu nghèo, thọ yểu...( Điền Thật ). Do vậy đối với mệnh VCD rất cần chú ý đến vận có Lưu thái tuế xung mệnh, vì khi đó đã mất Không vong, nếu hạn nhập năm đó cũng bị kỵ xung thì quyết là năm đại họa. Đối với người có Chính diệu mà tổ hợp sao đi hợp cách và tốt thì năm đó là năm thăng tiến tài lộc.
Lý giải thêm về Thiên tướng sợ gặp Tuần Triệt, Thiên tướng và Phá quân luôn ở thế Đối Xung (không phải Đối Cung). Tương và Phá kìm hãm lẫn nhau, lực tương tác của Phá lên Tướng ngang bằng với lực của Tướng lên Phá. Nhưng khi có Tuần Triệt thì điều đó đã bị phá vỡ, đầu tiên phải nói đến Phùng Phủ khán Tướng, xem Thiên Tướng phải xét đến thiên Phủ, khi Thiên tướng bị Tuần Triệt thì Phủ không thể giúp được Tướng.
Đó là đặt Tướng vào thế yếu khi so sánh với Phá, do vậy cấu trúc Đối xung bị phá vỡ, đặt Thiên tướng vào thế yếu. Lại xét (phân đối cung lưu chi thể dụng), nguời mệnh Thiên tướng thì lấy Thiên Tướng làm Thể, Phá Quân làm Dụng, Tướng ở thế yếu thì Thể bị Dụng khắc theo lý đối xung, vì vậy mà nói Thiên tướng sợ gặp Tuần Triệt, vì lý Thiên tướng mang tính Âm nên sợ gặp Triệt hơn Tuần. Có lẽ vậy mà Tướng Triệt là tướng mất đầu chăng? lẽ Triệt chặt chém âu cũng rất có lý (tính Dương).